Hiện có không ít thai phụ được bác sĩ chỉ định sinh mổ nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Nhưng rất ít bà mẹ biết quá trình sinh mổ diễn ra như thế nào? Bà bầu cần chuẩn bị gì để an tâm hơn trước khi bước lên bàn mổ.

Hầu hết các bà bầu luôn được khuyến cáo nên sinh thường để con sinh ra được khỏe mạnh, người mẹ cũng mau chóng được phục hồi hơn. Những trường hợp mẹ bầu được chẩn đoán là sẽ gặp khó khăn khi sinh, từng sinh mổ, thai to… các bác sĩ đành phải chỉ định mẹ bầu sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Mời bạn tham khảo bài viết này của Hello Bacsi để tìm hiểu kỹ về quá trình sinh mổ diễn ra như thế nào để có thể dễ dàng hình dung về ca sinh sắp tới của mình.

Truy tìm nguyên nhân vì sao bạn cần phải mổ lấy thai

Sinh mổ hay mổ lấy thai là một trong những loại hình phẫu thuật khá phổ biến. Với những mẹ bầu được chỉ định sinh con bằng phương pháp này, các bác sĩ sẽ phẫu thuật và lấy thai nhi ra ngoài thông qua vết mổ bụng thay vì sinh con qua đường âm đạo.

Trong một số tình huống thì việc chỉ định sinh mổ sẽ đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, dưới đây là những lý do vì sao bạn phải sinh mổ:

1. Quá trình chuyển dạ không tiến triển

Quá trình chuyển dạ bị đình trệ là một trong những lý do phổ biến nhất cho việc phải lựa chọn sinh mổ. Việc chuyển dạ bị đình trệ có thể xảy ra nếu cổ tử cung của bạn không mở đủ rộng hoặc không mở dù tử cung vẫn co bóp không ngừng và các cơn đau cứ tiếp tục xảy ra.

2. Thai nhi trong bụng đang gặp tình huống nguy hiểm

Nếu ghi nhận thấy nhịp tim của em bé trong bụng có những thay đổi bất thường, các bác sĩ thường sẽ chỉ định bạn sinh mổ để đảm bảo an toàn cho bé.

3. Thai nhi ở vị trí không thuận lợi

Khi thai nhi ở vị trí không thuận lợi như thai nằm ngang, mẹ sẽ phải sinh mổ bắt con. Trong tình huống này, nếu bạn vẫn muốn sinh thường thì em bé có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng không nhận đủ oxy hoặc suy thai. Còn với trường hợp thai ngôi mông, mẹ có thể phải sinh mổ hoặc không tùy vào tình huống như thế nào.

4. Mẹ bầu mang đa thai

Việc sinh thường sẽ trở nên khó khăn cho những mẹ bầu mang đa thai. Những ca mang thai đôi có thể được xem xét để sinh thường tùy trường hợp, nhưng mẹ bầu mang 3 thai trở lên khả năng cao là sẽ chỉ định sinh mổ.

5. Có vấn đề với nhau thai

Nhau tiền đạo và nhau bong non là hai vấn đề thường xảy ra với nhau thai. Nhau tiền đạo là khi nhau thai nằm thấp trong tử cung, che kín một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung. Tình trạng nhau bong non xảy ra khi nhau thai bị bong khỏi lớp niêm mạc tử cung gây cản trở sự hấp thụ oxy của thai nhi. Cả hai trường hợp đều xảy ra trong tam cá nguyệt thứ 3 và là nguyên nhân khiến mẹ bầu phải mổ lấy thai.

6. Sa dây rốn

Tình trạng sa dây rốn xảy ra khi dây rốn trượt qua cổ tử cung và ra ngoài trước khi em bé được sinh ra. Tình trạng này tuy hiếm nhưng vẫn có nguy cơ xảy ra và gây cản trở việc sinh thường. Nếu rơi vào tình huống này mẹ bầu sẽ được chỉ định mổ khẩn cấp.

7. Mẹ bầu có vấn đề sức khỏe

Nếu mắc một số bệnh nhiễm trùng có nguy cơ lây cho con khi sinh thường, mẹ bầu sẽ được khuyên sinh mổ để tránh lây nhiễm cho bé. Mẹ nhiễm HIV, viêm gan B vẫn sinh thường được.

Ngoài ra, mẹ bầu nên chọn sinh mổ nếu có một trong các vấn đề sức khỏe như: cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận…

8. Tắc nghẽn cơ học

Bạn có thể cần phẫu thuật lấy thai nếu có một khối u tiền đạo lớn làm tắc nghẽn đường âm đạo, thai nhi sẽ khó đi qua khung xương chậu của mẹ.

9. Từng sinh mổ

Mẹ đã từng sinh mổ khả năng phải mổ lại trong một số trường hợp như: lần sinh mổ trước quá gần (khoảng 12 – 18 tháng), đã mổ 2 lần trước đó, thai ngôi mông, khung chậu hẹp, thai to…

Những rủi ro của việc sinh mổ lấy thai

Cũng giống như bao hình thức phẫu thuật lớn khác, hình thức đẻ mổ cũng tiềm ẩn những rủi ro có thể xảy ra cho cả mẹ lẫn bé.

Những rủi ro có thể gặp ở em bé bao gồm:

  • Gặp vấn đề hô hấp: Trẻ sinh mổ thường cảm thấy khó thở hơn, bởi vì khi sinh thường, những cơn co thắt tử cung của người mẹ rất có lợi cho phổi của bé.
  • Nguy cơ hen suyễn: Một loại vi khuẩn được tìm thấy trong ruột cũng được cho là nguyên nhân gây dị ứng và hen suyễn cho trẻ sau này.
  • Chấn thương phẫu thuật: Dù là hiếm gặp, nhưng việc sơ ý để các dụng cụ phẫu thuật có thể làm tổn thương da em bé trong quá trình mẹ sinh mổ vẫn có nguy cơ xảy ra.

Những rủi ro mà mẹ có thể gặp khi sinh mổ bắt con:

  • Nhiễm trùng: Mẹ bầu sinh mổ có thể đối mặt với những nguy cơ nhiễm trùng như viêm tử cung, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng vết mổ đẻ.
  • Mất nhiều máu: Việc sinh mổ khiến bạn mất nhiều máu hơn sinh thường, nhất là trong quá trình phẫu thuật.
  • Ảnh hưởng của thuốc tê: Mẹ bầu sinh mổ thường sẽ được gây tê tủy sống (một số trường hợp gây tê ngoài màng cứng do có nhu cầu giảm đau sau mổ) để làm mất cảm giác vùng bụng của mẹ. Phương pháp này tuy an toàn hơn biện pháp gây tê toàn thân nhưng mẹ vẫn có thể gặp rủi ro như đau đầu dữ dội hoặc tổn thương thần kinh.
  • Cục máu đông: Quá trình phẫu thuật sinh mổ cũng làm tăng nguy cơ phát triển, hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông nằm trong phổi sẽ gây tắc nghẽn phổi, đe dọa tính mạng người mẹ.
  • Chấn thương phẫu thuật: Mặc dù hiếm gặp nhưng tình trạng chấn thương phẫu thuật ở bàng quang hoặc ruột có thể xảy ra trong quá trình sinh mổ.
  • Dính kết: Đây là tình trạng các mô sẹo hình thành khiến cho các cơ quan nội tạng trong bụng mẹ kết dính với nhau hoặc dính vào thành bụng. Những người mẹ sinh mổ lần 2 sẽ có nguy cơ cao hơn. Tình trạng này sẽ khiến người mẹ thấy đau đớn, ảnh hưởng đến sự vận động.

Mẹ bầu cần chuẩn bị những gì cho việc sinh mổ?

chuẩn bị trước khi sinh mổ 75276058

Nếu như được chỉ định sinh mổ trước khi có dấu hiệu chuyển dạ, bạn có thể trao đổi với bác sĩ sản khoa về hình thức gây tê, các vấn đề có thể làm tăng nguy cơ gặp các biến chứng trong và sau khi sinh để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Bạn cũng có thể được đề nghị thực hiện một vài xét nghiệm máu nhất định trước khi tiến hành phẫu thuật như: xét nghiệm đông máu, nhóm máu… Những xét nghiệm này sẽ cung cấp thông tin về nhóm máu của bạn và nồng độ huyết sắc tố, thành phần chính của hồng cầu. Điều này sẽ hữu ích trong trường hợp bạn cần được truyền máu khi ca mổ đang diễn ra.

Ngay cả khi bạn đã lên kế hoạch hoàn hảo cho một ca sinh thường thì cũng cần có sự chuẩn bị tâm lý có thể phải sinh mổ nếu những tình huống bất ngờ xảy ra. Nguyên do là khi có tình huống khẩn cấp xảy ra, bác sĩ sẽ không có thời gian để giải thích quy trình hoặc trả lời chi tiết câu hỏi của bạn về việc sinh mổ.

Sau khi trải qua việc sinh mổ, bạn cần nhiều thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi. Thế nên ngay trước khi đi sinh, bạn có thể cân nhắc đến việc tìm kiếm một vài sự giúp đỡ trong thời gian đầu sau khi em bé ra đời.

Quá trình sinh mổ diễn ra thế nào và cần chuẩn bị điều gì?

Quá trình sinh mổ được chia thành 3 giai đoạn khác nhau như sau:

1. Trước khi ca phẫu thuật diễn ra

Bạn nên tắm bằng sữa tắm có tác dụng sát khuẩn vào buổi tối hôm trước hoặc buổi sáng vào ngày bạn tiến hành phẫu thuật. Vào buổi sáng trong ngày tiến hành sinh mổ, bạn thường được yêu cầu bơm thuốc thụt để có thể đi tiêu sạch sẽ, tránh trường hợp mẹ bầu đi tiêu trong khi sinh.

Sau khi bạn bước lên phòng mổ, vùng bụng của bạn sẽ được vệ sinh sạch sẽ và vô trùng. Bác sĩ sẽ đặt ống thông tiểu để nước tiểu chảy vào túi chứa trong quá trình mổ nhằm đảm bảo vệ sinh. Bạn cũng sẽ được truyền dịch qua tĩnh mạch ở tay để không bị mất nước.

Tiếp sau đó, bạn sẽ được tiến hành gây tê. Hầu hết các ca sinh mổ thường gây tê cục bộ nên người mẹ vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình sinh. Trong một vài trường hợp khẩn cấp, mẹ bầu sẽ được gây mê toàn thân, nghĩa là bạn không có ý thức trong khi ca mổ diễn ra.

3. Trong quá trình tiến hành phẫu thuật

Đầu tiên bác sĩ sẽ rạch một đường trên thành bụng của bạn, thông thường bác sĩ sẽ rạch theo chiều ngang trong vùng mặc bikini. Trong một số  trường hợp, bác sĩ có thể rạch một đường dọc từ rốn đến ngay phía trên xương mu. Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện các vết mổ theo từng lớp thông qua mô mỡ và mô liên kết của bạn, tách cơ bụng để có thể tiếp cận với tử cung trong khoang bụng.

Nếu là vết mổ tử cung thì sẽ thường nằm ngang qua phần dưới của tử cung. Các loại vết mổ tử cung khác có thể được áp dụng tùy thuộc vào vị trí của em bé trong tử cung của bạn và liệu bạn có bị biến chứng hay không, chẳng hạn như các vấn đề về nhau thai.

Bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa em bé ra thông qua các vết rạch tử cung. Sau đó, em bé được làm sạch mũi và miệng, rồi kẹp dây rốn. Nếu bạn tỉnh táo, bạn sẽ được nhìn em bé và bé được đặt da kề da trên vùng ngực -bụng của bạn. Sau đó, bác sĩ sẽ lấy nhau thai ra, làm sạch tử cung và khâu lần lượt các vết cắt bằng chỉ tự tiêu.

3. Sau ca mổ lấy thai

Sau ca mổ, bạn sẽ được đưa về phòng hậu phẫu để các nhân viên y tế theo dõi và chăm sóc trong khoảng 5 – 10 giờ. Sau đó, bạn sẽ được đưa về phòng nghỉ, nhân viên y tế sẽ khuyến khích bạn uống nhiều nước rút ống thông tiểu để bạn có thể đi tiểu bình thường. Sau ca mổ khoảng 24 giờ, bạn sẽ được khuyến khích đi bộ để ngăn ngừa táo bón và sự hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu.

Bạn sẽ phải ở lại bệnh viện từ 3 – 5 ngày để các bác sĩ theo dõi tình trạng vết mổ nhằm tìm xem liệu có dấu hiệu nhiễm trùng hay không cũng như chăm sóc sức khỏe, giảm đau cho bạn.

Ngay khi về phòng nghỉ, bạn có thể bắt đầu cho con bú nếu cảm thấy thoải mái với việc đó. Có rất nhiều thắc mắc xoay quanh việc có nên cho con bú ngay sau sinh mổ không. Câu trả lời là sinh mổ không có ảnh hưởng nhiều đến việc cho con bú, nên tốt nhất hãy cho trẻ bú sớm nhất có thể.

Trước khi xuất viện, hãy nói chuyện bác sĩ sản khoa về bất kỳ dịch vụ chăm sóc hay phòng ngừa nào mà bạn cần, chẳng hạn như việc ngừa thai sau sinh mổ hay các dấu hiệu bất thường mà bạn cần phải lưu tâm.

Khi nào bạn có thể được xuất viện?

sau khi sinh mổ 728596894

Sau quá trình sinh mổ, việc bạn phải trải qua những cảm giác như mệt mỏi và khó chịu là điều hết sức bình thường. Để nhanh chóng phục hồi hơn, bạn cần:

  • Nghỉ ngơi mọi lúc khi có thể: Cố gắng giữ tất cả những thứ mà bạn và em bé có thể cần trong tầm tay. Trong vài tuần đầu tiên, tránh nâng bất cứ thứ gì nặng hơn so với trọng lượng em bé của bạn. Ngoài ra, tránh việc ngồi bật dậy đột ngột từ tư thế đang ngồi xổm hay đang nằm.
  • Sử dụng thuốc giảm đau: Để làm dịu cơn đau do vết mổ, các bác sĩ có thể khuyến cáo sử dụng miếng đệm sưởi ấm, ibuprofen, acetaminophen hoặc các loại thuốc khác để giảm đau. Hầu hết các loại thuốc giảm đau đều an toàn cho phụ nữ đang cho con bú.
  • Tránh quan hệ tình dục: Để ngăn ngừa nhiễm trùng hay gây tổn thương vết mổ, bạn nên tránh quan hệ tình dục trong sáu tuần ca mổ.

Nên kiểm tra vết mổ của bạn thường xuyên để sớm phát hiện có nhiễm trùng hay không. Hãy chú ý đến bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng bạn gặp phải. Đến bệnh viện ngay nếu có những biểu hiện như:

  • Vết mổ của bạn có màu đỏ, sưng hoặc rỉ máu
  • Bạn bị sốt
  • Bạn bị chảy máu nhiều
  • Bạn bị đau nặng hơn

Sinh con là một thiên chức cao quý mà ông trời đã ban tặng cho người phụ nữ. Nếu chẳng may bạn không thể sinh thường theo cách tự nhiên thì cũng đừng nên quá lo lắng. Hãy tìm hiểu kỹ các quá trình sinh mổ sẽ diễn ra như thế nào để có sự chuẩn bị thật tốt nhé!

Nghiên cứu đã chỉ ra những người thường xuyên thực hiện bài tập cardio thường có nguy cơ tử vong vì ung thư thấp hơn so với những người ít tập luyện. Vậy bạn đã biết phương pháp tập cardio cường độ cao đúng cách để phòng bệnh ung thư?

Một nghiên cứu được công bố vào ngày 7 tháng 12 tại EuroEcho 2019 đã cho biết những người tập thể dục kém có nguy cơ tử vong vì ung thư cao gấp đôi so với những người tập thể dục ở cường độ cao hơn.

Thói quen tập cardio đều đặn không những giúp bạn giảm cân và ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ mà còn giảm thiểu nhiều rủi ro mắc bệnh ung thư.

Lợi ích phòng bệnh ung thư khi tập cardio

Bài tập cardio giảm cân hiệu quả gồm có 2 loại chính là HIIT (bài tập cường độ cao ngắt quãng) và LISS (bài tập cường độ trung bình thấp/ổn định). Những bài tập này sẽ giúp bạn đốt cháy một lượng lớn calo trong lúc tập.

Đặc biệt, các nghiên cứu còn cho thấy những lợi ích phòng bệnh ung thư sau đây khi bạn tập cardio.

1. Phòng bệnh ung thư nội mạc tử cung

Những phụ nữ tập thể dục 150 phút mỗi tuần trở lên đã giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung đến 34% so với những người không hoạt động thể chất.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy những phụ nữ có chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 25 giảm 73% nguy cơ mắc bệnh so với những phụ nữ không hoạt động thể chất có mức BMI trên 25 được cho là thừa cân.

2. Phòng bệnh ung thư đại trực tràng

phòng bệnh ung thư đại trực tràng

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Anh cho thấy những người tập thể dục hơn 30 phút mỗi ngày đã giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng (colorectal cancer).

Nghiên cứu dựa trên một cuộc khảo sát với 55.489 đàn ông và phụ nữ trong độ tuổi từ 50 đến 64 trong khoảng thời gian gần 10 năm.

3. Phòng bệnh ung thư tuyến tiền liệt

Theo một nghiên cứu năm 2006 trên Tạp chí Ung thư Quốc tế, những người đàn ông tập thể dục thường xuyên ở cường độ vừa phải đã giảm nguy cơ tiến triển bệnh ung thư tuyến tiền liệt so với những người báo cáo không có hoạt động thể chất.

Bạn hãy chọn cho mình một thói quen tập thể dục mà bản thân thích rồi tập trung vào cường độ tập luyện. Bạn không nhất thiết phải tập cardio cường độ cao mà có thể chọn làm những hoạt động cần nhiều sức lực như cuốc đất, làm vườn chăm chỉ hoặc chạy bộ nhanh để tăng nhịp tim.

4. Phòng bệnh ung thư vú

Theo một nghiên cứu vào tháng 10 được công bố trên tạp chí nghiên cứu ung thư vú, phụ nữ có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú đã giảm 1/4 nguy cơ mắc bệnh khi dành ra 20 phút/1 lần hoạt động thể chất vừa phải hoặc cường độ cao trong ít nhất 5 lần/1 tuần.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy phụ nữ tiền mãn kinh hay mãn kinh giảm được nguy cơ mắc bệnh ung thư vú là nhờ vào sự thay đổi hormone và protein phù hợp do tập cardio.

Các bạn nữ ở tuổi thiếu niên tham gia chương trình tập thể dục cũng có thể trì hoãn sự khởi phát ung thư vú nếu mang đột biến gene BRCA (có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh).

5. Phòng bệnh ung thư phổi

Theo một nghiên cứu từ đại học Minnesota, phụ nữ có mức độ tập thể dục cường độ cao đã giảm rủi ro mắc bệnh ung thư phổi so với những người có mức độ tập thể dục thấp.

Theo một nghiên cứu khác vào năm 2003 trên tạp chí dịch tễ học Hoa Kỳ, phụ nữ và đàn ông hoạt động thể chất mạnh mẽ giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, đặc biệt là những người có chỉ số khối cơ thể thấp hoặc trung bình.

6. Phòng bệnh ung thư buồng trứng

Phụ nữ tập thể dục cường độ cao thường giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng xâm lấn so với phụ nữ báo cáo không có hoạt động thể chất thường xuyên.

Nếu bạn đang lên kế hoạch tập cardio để ngăn ngừa ung thư buồng trứng thì hãy bắt đầu ở cường độ thấp trước, dần tăng lên mức độ vừa phải rồi lên cao.

7. Phòng bệnh ung thư dạ dày

Theo một nghiên cứu năm 2007 trên Tạp chí Ung thư châu Âu, những người hoạt động thể lực ở cường độ cao hơn 3 lần/1 tuần đã giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày 20 – 40% so với những người tập thể dục ít hơn 1 lần 1 tháng.

Lưu ý khi tập cường độ cao để ngăn ngừa ung thư

lưu ý khi tập cardio để phòng bệnh ung thư

Khi tập cường độ cao, bạn nên lưu ý một số điều sau để việc tập luyện được hiệu quả.

• Kiểm tra với bác sĩ trước khi tập: Trước khi bắt đầu tập luyện cường độ cao, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn những động tác phù hợp với sức khỏe.

• Luôn khởi động trước khi tập: Khởi động sẽ giúp bạn ít gặp chấn thương trong tập luyện.

• Luôn uống đủ nước: Bạn hãy uống 500ml nước trước khi tập cardio và uống từ 150-350ml nước sau 20 phút tập.

• Lắng nghe cơ thể: Bạn hãy lắng nghe cơ thể của mình trong lúc tập và dừng lại nếu như thấy mình đang tập sai cách.

• Tăng dần cường độ tập luyện: Bạn không nên tập cường độ cao ngay khi bắt đầu tập mà hãy tăng dần khả năng tập để cơ thể kịp thích nghi.

• Kết hợp việc tập xen kẽ: Bạn hãy tập thể dục ở cường độ vừa phải đan xen với cường độ cao để đạt được tối đa lợi ích của việc tập cardio.

• Thực hiện nhiều bài tập khác nhau: Bạn hãy thử tập nhiều bài tập để không bị nhàm chán cũng như làm giảm đi hiệu quả khi chỉ lặp lại một bài tập.

• Ăn uống điều độ: Bạn nên có chế độ ăn uống hợp lý để không bị mệt mỏi và uể oải sau khi cơ thể đốt cháy nhiều năng lượng.

• Tập luyện vừa phải: Bạn có thể luyện tập cardio cường độ cao trong vòng 20 phút còn tập cardio ở mức vừa phải trong vòng 30 – 45 phút.

• Cho cơ thể nghỉ ngơi: Bạn nên tập cardio từ 4 – 5 lần/1 tuần nhưng nên tập luyện ở mức vừa phải để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi.

Cardio ngoài tác dụng chính là giúp bạn giảm cân hiệu quả thì còn hỗ trợ bạn giảm thiểu rủi ro mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, bạn không nên quá lạm dụng việc tập luyện mà hãy luôn tuân thủ nguyên tắc tập ở mức vừa phải. Điều này sẽ giúp cơ thể bạn không bị kiệt sức hay gặp những chấn thương không mong muốn.

Thí nghiệm trên động vật luôn là vấn đề gây tranh cãi về chuẩn mực đạo đức, liệu con người có thực sự cần loại hình thí nghiệm này?

Thí nghiệm trên động vật được biết đến là phương pháp thử nghiệm giúp nghiên cứu và phát triển nhiều lĩnh vực, đặc biệt là điều trị bệnh trước khi áp dụng trên con người. Hãy cùng tìm hiểu về những lợi ích và bất lợi của thí nghiệm trên động vật để bạn có được góc nhìn đa chiều về vấn đề này nhé.

Lợi ích của thí nghiệm trên động vật

thí nghiệm trên động vật tạo vắc-xin

Thí nghiệm trên động vật có thể mang đến 5 lợi ích sau đây:

1. Phát triển phương pháp điều trị

Thí nghiệm trên động vật đã góp phần phát triển nhiều phương pháp chữa trị và cứu sống người bệnh. Hiệp hội nghiên cứu y sinh California tuyên bố rằng gần như mọi đột phá y tế trong 100 năm qua đều có kết quả trực tiếp đến từ nghiên cứu sử dụng động vật. Ví dụ, thí nghiệm cắt bỏ tuyến tụy ở chó giúp phát hiện ra insulin – yếu tố quan trọng cứu sống người bệnh tiểu đường.

Nghiên cứu trên động vật cũng góp phần vào những tiến bộ lớn trong việc tìm hiểu và điều trị các tình trạng như ung thư vú, chấn thương não, bệnh bạch cầu ở trẻ em, bệnh xơ nang, sốt rét, bệnh đa xơ cứng, bệnh lao, và nhiều bệnh khác. Đồng thời, đây cũng là phương pháp giúp phát triển máy tạo nhịp tim, thay thế van tim và gây mê.

2. Thử nghiệm tác dụng thuốc

Hiện không có sự thay thế thích hợp để thử nghiệm một sản phẩm trên cơ thể sống. Hệ thống sống như con người và động vật vô cùng phức tạp. Việc nghiên cứu nuôi cấy tế bào trong đĩa thí nghiệm không cho thấy các quá trình liên quan đến nhau xảy ra trong hệ thống thần kinh trung ương, hệ thống nội tiết và hệ thống miễn dịch.

Để đánh giá các tác dụng phụ của một loại thuốc đòi hỏi phải có một hệ thống tuần hoàn để mang thuốc đến các cơ quan khác nhau. Hơn nữa, ngay cả những siêu máy tính mạnh nhất cũng không thể mô phỏng chính xác hoạt động của các cơ quan phức tạp như não.

3. Động vật có kết cấu giống con người

Động vật là đối tượng nghiên cứu thích hợp vì chúng khá giống con người ở nhiều phương diện. Tinh tinh có độ giống DNA con người đến 99% DNA và chuột giống con người 98% về mặt di truyền. Tất cả các động vật có vú, bao gồm cả con người, có nguồn gốc từ tổ tiên chung và tất cả đều có cùng bộ phận cơ thể (tim, thận, phổi…). Vì động vật và con người rất giống nhau về mặt sinh học, nên dễ bị mắc nhiều bệnh tương tự, bao gồm bệnh tim, ung thư và tiểu đường.

4. Phù hợp với nghiên cứu khoa học

Động vật thường làm đối tượng nghiên cứu tốt hơn con người vì vòng đời ngắn hơn. Chẳng hạn, chuột trong phòng thí nghiệm chỉ sống được hai đến ba năm, vì vậy các nhà nghiên cứu có thể nghiên cứu tác động của các phương pháp điều trị hoặc thao tác di truyền trong toàn bộ tuổi thọ hoặc qua nhiều thế hệ. Đây là điều không thể thực hiện được trên đối tượng là con người. Đối với nghiên cứu ung thư dài hạn, nhờ vào tuổi thọ ngắn mà chuột đặc biệt phù hợp với loại nghiên cứu này.

5. Đảm bảo độ an toàn sản phẩm

Một số mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe phải được thử nghiệm trên động vật để đảm bảo an toàn trước khi sử dụng trên người. Phụ nữ Mỹ sử dụng trung bình 12 sản phẩm chăm sóc cá nhân mỗi ngày, vì vậy vấn đề an toàn sản phẩm là rất quan trọng. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đồng ý việc sử dụng thử nghiệm trên động vật để đảm bảo an toàn khi sử dụng mỹ phẩm.

Trung Quốc yêu cầu tất cả mỹ phẩm phải được thử nghiệm trên động vật trước khi được bày bán, vì vậy các công ty mỹ phẩm phải thử nghiệm sản phẩm theo quy định nếu muốn phân phối ở Trung Quốc. 

Thí nghiệm trên động vật đóng vai trò quan trọng trong việc cứu sống hàng triệu người trên thế giới, những loài động vật này được coi như “anh hùng” khi là một phần trong nghiên cứu khoa học và phát triển phương thuốc điều trị.

Bất lợi của thí nghiệm trên động vật

thí nghiệm trên động vật nhằm nghiên cứu bệnh

Có 5 điểm bất lợi của thí nghiệm trên động vật bao gồm:

1. Không đạt chuẩn đạo đức

Dưới góc nhìn về đạo đức, thí nghiệm trên động vật bị coi là tàn nhẫn và vô nhân đạo. Theo Humane Society International, động vật được sử dụng trong các thí nghiệm thường bị ép ăn, sống trong điều kiện thiếu thức ăn và nước, bị gây tổn thương để nghiên cứu quá trình chữa bệnh.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã báo cáo vào năm 2016 rằng có đến 71.370 động vật bị tổn thương nhưng không được dùng giảm đau, bao gồm 1.272 động vật linh trưởng, 5.771 con thỏ, 24.566 chuột lang và 33.280 chuột hamster.

2. Không đảm bảo an toàn tuyệt đối

Thuốc vượt qua các thử nghiệm trên động vật không có nghĩa rằng sẽ an toàn. Thuốc ngủ thalidomide vào những năm 1950, khiến 10.000 trẻ sơ sinh bị dị tật nghiêm trọng, dù đã được thử nghiệm trên động vật trước khi phát hành rộng rãi. Các xét nghiệm sau đó trên chuột, mèo… cũng không cho thấy kết quả dị tật bẩm sinh trừ khi thuốc được dùng với liều cực cao.

Tương tự, thí nghiệm trên động vật về thuốc viêm khớp Vioxx cho thấy có tác dụng bảo vệ tim ở chuột, tuy nhiên loại thuốc này đã gây ra hơn 27.000 cơn đau tim và tử vong do tim đột ngột ở người trước khi bị rút khỏi thị trường.

3. Đưa đến quyết định sai lệch

Thử nghiệm trên động vật có thể khiến các nhà nghiên cứu bỏ qua các phương pháp chữa trị tiềm năng. Một số hóa chất không có hiệu quả hoặc có hại cho động vật, lại mang đến giá trị chữa trị trên con người. Ví dụ, aspirin có thể gây nguy hiểm cho một số loài động vật hay vitamin C tiêm tĩnh mạch đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị nhiễm trùng huyết ở người, nhưng không tạo ra sự khác biệt khi sử dụng chuột.

4. Hao tốn ngân sách thực hiện

Thí nghiệm trên động vật thường đắt hơn các phương pháp thay thế khác và gây lãng phí tiền của chính phủ. Humane Society International đã so sánh một loạt các thử nghiệm trên động vật với thử nghiệm in vitro (trong ống nghiệm), cho thấy các thử nghiệm trên động vật đắt tiền hơn.

Công ty công nghệ sinh học Empiriko đã phát minh ra loại gan tổng hợp có thể dự đoán các phản ứng trao đổi chất của gan với thuốc trong quy trình nhanh hơn, rẻ hơn và chính xác hơn so với thử nghiệm trên động vật. Trong một thử nghiệm, phương pháp này có thể cung cấp thông tin một mức độ cụ thể mà trước đây phải cần đến 1.000 con chuột và 100 con chó.

5. Động vật có thể bị ngược đãi

Khoảng 95% động vật được sử dụng trong các thí nghiệm không được bảo vệ bởi Quyền Phúc Lợi Động Vật (Animal Welfare Act – AWA). AWA không bảo vệ các loài chuột, cá và chim, chiếm khoảng 95% động vật được sử dụng trong nghiên cứu. Do đó, những động vật này đặc biệt dễ bị ngược đãi và lạm dụng trong quá trình nghiên cứu.

Thí nghiệm trên động vật mang đến lợi ích nghiên cứu khoa học, tuy nhiên cần có sự kiểm soát và sử dụng có mục đích. Bản thân động vật cũng có cảm xúc và có quyền được lựa chọn sống theo cách tạo hoá ban tặng. Do đó, việc sử dụng động vật cho mục đích nghiên cứu cần được kiểm tra, cân nhắc và xin phép trước khi thực hiện.

Các phương pháp thử nghiệm thay thế cho thí nghiệm trên động vật vẫn còn khá nhiều giới hạn, do đó thí nghiệm trên động vật vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu ứng dụng. Điều quan trọng là cần có sự kiểm soát của cơ quan thẩm quyền trước khi thực hiện.

Thí nghiệm trên động vật đều mang đến những lợi ích và bất lợi nhất định, tuy nhiên lịch sử y tế đã chứng minh tầm quan trọng của các thí nghiệm này. Vì vậy mà những cuộc tranh cãi “nên hay không nên” thí nghiệm trên động vật cho đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Ngày 12-12-2019, tại Hội trường lớn, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo khoa học: “Công bố kết quả nghiên cứu về hoạt chất lunasin chiết xuất từ soy protein trong hỗ trợ điều trị và phòng ngừa ung thư phổi”. Hội thảo mang đến thông tin cập nhật và những giải pháp mới giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị u phổi trong giai đoạn hiện nay.

Hội thảo có sự tham gia trình bày, trao đổi của các vị giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực y dược như: PGS-TS. Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K (chủ trì hội thảo); PGS-TS. Lê Văn Truyền – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Thực phẩm chức năng; TS-BS. Nguyễn Thị Thái Hòa – Trưởng khoa Nội 2, Bệnh viện K cùng rất nhiều dược sĩ, bác sĩ chuyên khoa ung bướu, phổi ở Hà Nội và đại diện doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ lunasin về Việt Nam cùng các cơ quan thông tấn báo chí.

Thực trạng mắc bệnh ung thư phổi hiện nay

Tại hội thảo, PGS-TS. Lê Văn Quảng đã nêu lên những thực trạng, tần suất mắc và tử vong do ung thư phổi tại Việt Nam, nguyên nhân sinh bệnh, những tiến bộ của các cách điều trị hiện nay, ưu điểm, tồn tại, cập nhật những phương pháp mới trong việc điều trị và phòng ngừa ung thư phổi. Cụ thể, PGS-TS Lê Văn Quảng cho biết: “U phổi là một trong những bệnh lý có tỷ lệ mắc cao trên toàn cầu. Qua nhiều nghiên cứu cho thấy, 80% bệnh u phổi gắn với môi trường, thói quen hút thuốc lá, chế độ ăn uống, điều kiện lao động, sự nhiễm độc nước, không khí và nếp sống thiếu vệ sinh…”.

PGS.TS Lê Văn Quảng bên lề hội thảo
PGS-TS. Lê Văn Quảng bên lề hội thảo

Cập nhật những tiến bộ của các phương pháp phòng ngừa và điều trị u phổi

Trong bài phát biểu của mình, TS-BS. Nguyễn Thị Thái Hòa trình bày các vấn đề về phòng bệnh và những tiến bộ trong chẩn đoán, chữa trị ung thư phổi trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

TS-BS. Nguyễn Thị Thái Hòa cho biết, có nhiều phương pháp điều trị u phổi bằng tây y như: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Việc lựa chọn phương pháp trị liệu phụ thuộc vào loại, vị trí và giai đoạn của u phổi, cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Tuy nhiên, với các tế bào u phổi có xu hướng xâm nhập mô lân cận hoặc di căn đến nội tạng khác thì phương pháp phẫu thuật vẫn còn những hạn chế. Phương pháp hóa trị và xạ trị có tác dụng ức chế nhân lên và tiêu diệt các tế bào u ác tính, nhưng đồng thời cũng tiêu diệt cả các tế bào bình thường, gây ra nhiều tác dụng phụ.

TS-BS. Nguyễn Thị Thái Hòa

TS-BS. Nguyễn Thị Thái Hòa trình bày báo cáo về những tiến bộ trong điều trị và phòng ngừa u phổi

Ngày nay, điều trị kết hợp tăng cường miễn dịch và các phương pháp tây y đang là xu thế, giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Ngoài ra, có nhiều nghiên cứu, bài báo nói về các hoạt chất sinh học giúp nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể, chống lại các tế bào ung thư.

Lunasin – hoạt chất sinh học mới giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh u bướu

Tại hội thảo, PGS-TS. Lê Văn Truyền – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện thực phẩm chức năng đã có những phân tích về ưu điểm nổi bật của lunasin – hoạt chất sinh học mới giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh u bướu. PGS đặc biệt nhấn mạnh về 3 ưu điểm nổi trội của hoạt chất này:

– Tác dụng ức chế sự nhân lên của tế bào ung thư (anti – mitosis).

– Có thể dùng đường uống (mặc dù là protein nhưng bền vững với các enzyme đường tiêu hóa, nên có mặt ở các mô đích dưới dạng có hoạt tính).

– Ức chế chọn lọc với tế bào ung thư, không ảnh hưởng đến tế bào lành.

PGS-TS. Lê Văn Truyền trình bày kết quả nghiên cứu của hoạt chất lunasin
PGS-TS. Lê Văn Truyền trình bày kết quả nghiên cứu của hoạt chất lunasin

Cụ thể, lunasin là một peptide được chiết xuất từ đậu tương, do tiến sĩ Alfredo Galvez phát hiện lần đầu tiên vào năm 1996. Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu cải thiện tính chất dinh dưỡng protein đậu tương trong phòng thí nghiệm của giáo sư De Lume tại Đại học California Berkeley. Tác dụng sinh học nổi bật của lunasin chính là khả năng chống ung thư thông qua ức chế quá trình phân chia tế bào, từ đó ngăn ngừa sự phân chia và nhân lên của tế bào ung thư.

Cấu trúc của lunasin mang điện tích âm nên dễ gắn với các protein – histone của nhiễm sắc thể mang điện tích dương, ức chế biểu hiện gen dẫn tới tế bào ung thư không phân chia được.

Ngoài ra, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, lunasin còn tác động làm phá hủy các gen sinh ung thư, ngăn chặn quá trình tăng sinh bất thường xảy ra. Do đó, ngoài giúp hỗ trợ điều trị, hoạt chất này còn phát huy vai trò phòng ngừa và giảm nguy cơ di căn của khối u hiệu quả. Bên cạnh đó, lunasin còn có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa giúp bảo vệ và tránh tổn thương thêm tế bào, làm giảm cholesterol, tốt cho hệ tim mạch.

Một tin vui là lunasin lần đầu tiên đã được chuyển giao công nghệ và ứng dụng tại Việt Nam sau khi nhận thấy những tác dụng ưu việt của hoạt chất này. Cụ thể, mới đây Việt Nam đã nhận quyền chuyển giao công nghệ chiết xuất lunasin peptide từ đậu tương của công ty Narra Biosciences ở Mỹ. Dựa trên cơ sở đó, các nhà khoa học Việt Nam đã ứng dụng và bào chế thành công thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tumolung.

Sản phẩm có thành phần chính là Lunatumo bao gồm Soy protein chứa lunasin – đây là nguyên liệu thuộc dự án DA17/09 cấp Nhà nước của Bộ Y tế, mở ra một hướng đi mới cho những người không may mắc phải căn bệnh u phổi. Đây thực sự là tin vui đối với các bác sĩ, những người không may mắc phải u phổi, vì ngoài những ưu điểm nổi bật kể trên, một điều đáng mừng nữa đây là phương pháp có giá thành rất hợp lý, phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng.

Rất nhiều câu hỏi được đưa ra về hoạt chất lunasin đã được giải đáp
Rất nhiều câu hỏi được đưa ra về hoạt chất lunasin đã được giải đáp

Trong hội thảo, rất nhiều câu hỏi đã được đưa ra về hoạt chất lunasin:

– Lunasin có tác động vào giai đoạn nào của ung thư phổi?

PGS-TS. Lê Văn Truyền: Lunasin có tác dụng ức chế quá trình acetyl hóa histone, ức chế sự tăng sinh của tế bào. Vì vậy, nên bổ sung lunasin thường xuyên kết hợp với hóa trị, xạ trị, phẫu thuật để ngăn chặn quá trình nhân lên của tế bào ung thư. Lunasin tác động vào tất cả các quá trình hình thành ung thư, chống viêm nhiễm, chống gốc tự do, chống tăng sinh, chống dị sản, loạn sản tế bào. Do đó, sản phẩm có thể dùng cho tất cả các giai đoạn, từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn.

Dược sĩ Nguyễn Văn Luận, đại diện Công ty Hồng Bàng, bổ sung thêm: Lunasin trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tumolung, kết hợp với cao khổ sâm bắc và chiết xuất thyme – cỏ xạ hương, cao bán chi liên, cao bồ công anh, cao hoàng kỳ, cao quả khế giúp hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các khối u, đặc biệt là u phổi; Hỗ trợ tăng hiệu quả của các biện pháp hóa trị, xạ trị do tăng sức đề kháng. Sản phẩm dùng cho người mắc khối u, đặc biệt là u phổi trong giai đoạn hóa trị, xạ trị và người có nguy cơ cao mắc u phổi.

Các chuyên gia
Các chuyên gia giải đáp thắc mắc về ung thư phổi và hoạt chất lunasin

– Sử dụng sản phẩm Tumolung cho bệnh nhân mắc kèm đái tháo đường, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch và đối tượng trẻ em có được không?

Dược sĩ Nguyễn Văn Luận: Lunasin là polypeptide có trong đậu tương, ngoài khả năng chống ung thư còn giúp chống oxy hóa rất mạnh. Bài báo cáo của PGS-TS. Lê Văn Truyền đã trình bày ngoài tác dụng đối với bệnh ung thư, lunasin còn tốt cho hệ tim mạch. Do vậy, trong trường hợp bệnh nhân ung thư mắc kèm đái tháo đường, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch phối hợp dùng lunasin rất tốt. Một mũi tên trúng nhiều đích. Bản chất lunasin được chiết xuất từ một loại thực phẩm thường dùng phổ biến nên về mặt cơ sở khoa học hoàn toàn có thể sử dụng cho nhiều đối tượng, bao gồm cả trẻ em.

– Sản phẩm này có thể uống liên tục được không? Uống quá liều thì hậu quả như thế nào?

Dược sĩ Nguyễn Văn Luận: Lunasin có nguồn gốc từ protein đậu tương, là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc. Người bệnh hoặc người có nguy cơ mắc ung thư phổi nên bổ sung lunasin để hỗ trợ điều trị và phòng ngừa lâu dài mà không lo tác dụng phụ.

PGS-TS. Lê Văn Truyền: Lunasin có nguồn gốc từ đậu tương, người Nhật đã dùng lâu đời nên tỷ lệ mắc ung thư phổi rất thấp. Lunasin an toàn cho sức khỏe.

Một số hình ảnh khác tại hội thảo:

hội thảo khoa học

Các bác sĩ chuyên khoa ung bướu về phổi tham dự hội thảo
Các bác sĩ chuyên khoa ung bướu về phổi tham dự hội thảo
PGS.TS Lê Văn Truyền trả lời báo chí tại hội thảo
PGS-TS. Lê Văn Truyền trả lời báo chí tại hội thảo

phỏng vấn

Đại diện Công ty Hồng Bàng (doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ chế phẩm lunasin về Việt Nam) trả lời báo chí tại hội thảo
Đại diện Công ty Hồng Bàng (doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ chế phẩm lunasin về Việt Nam) trả lời báo chí tại hội thảo
PGS.TS Lê Văn Truyền chụp hình cùng đại diện Công ty Hồng Bàng
PGS-TS. Lê Văn Truyền chụp hình cùng đại diện Công ty Hồng Bàng

Hội thảo khoa học chủ đề “Công bố kết quả nghiên cứu về hoạt chất lunasin chiết xuất từ soy protein trong hỗ trợ điều trị và phòng ngừa ung thư phổi” đã diễn ra thành công tốt đẹp, nhận được sự ủng hộ của đông đảo giới chuyên gia và các bác sĩ tham gia hội thảo. Hoạt chất lunasin có những ưu điểm nổi trội và các bằng chứng nghiên cứu khoa học vô cùng thuyết phục. Do vậy, sản phẩm Tumolung chứa lunasin kết hợp cùng nhiều thảo dược quý khác ra đời sẽ mang tới nhiều lợi ích:

  • Với bác sĩ: Cung cấp thêm cho các bác sĩ một lựa chọn mới, an toàn trong phác đồ kết hợp với tây y.
  • Với người bệnh: Sản phẩm Tumolung là niềm tin, niềm hy vọng cho người bị u phổi nói riêng, bệnh u bướu nói chung, giúp họ dễ dàng được tiếp cận với một biện pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả, an toàn, góp phần kéo dài tuổi thọ và đặc biệt là có chi phí phù hợp với khả năng chi trả của hầu hết bệnh nhân.

Hải Vân

Tình trạng các bệnh răng miệng ở Việt Nam đang có những con số đáng báo động: hơn 80% dân số mắc bệnh viêm nha chu, 80% dân số bị sâu răng vĩnh viễn.

Theo thống kê vào tháng 9/2019 của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, có đến 90% dân số Việt Nam mắc các bệnh về răng miệng. Chủ yếu là các bệnh như sâu răng, viêm nướu, viêm quanh răng. Trong đó, tỷ lệ dân số bị sâu răng là 80% ở người lớn và trên 85% trẻ em bị sâu răng. Nghiêm trọng hơn hết, trên 80% người trưởng thành tại Việt Nam gặp tình trạng viêm nướu, viêm quanh răng và viêm nha chu.

Viêm nha chu là gì?

Viêm nha chu là gì?

Bệnh viêm nha chu là một bệnh răng miệng rất phổ biến, thường gặp ở người trưởng thành. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất răng vĩnh viễn. Viêm nha chu rất dễ bị bỏ qua do bệnh diễn biến âm thầm, bệnh nhân thường phát hiện khi bệnh đã nặng.

Viêm nha chu xuất hiện khi vi khuẩn tích tụ trong các mảng bám vôi răng sinh sôi, khiến nướu bị nhiễm trùng. Các vi khuẩn này sau đó lan dần xuống, gây tổn thương các mô mềm và phá hủy men răng. Khi bị viêm nhiễm, các mô nha chu thường sưng đỏ, đau nhức.

Dần dần, nướu không còn khả năng bám vào chân răng, tạo cơ hội để vi khuẩn xâm nhập, phát triển, phá hủy xương ổ răng, hình thành các túi nha chu. Răng sẽ dần bị suy yếu đi, chức năng ăn nhai cũng sẽ giảm dần.

Viêm nha chu lâu ngày có thể gây ra đau nhức dữ dội, hôi miệng. Nghiêm trọng hơn, viêm nha chu còn có thể dẫn đến các bệnh về tim mạch, hô hấp, đường tiêu hóa… hay các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Nguyên nhân khiến bệnh viêm nha chu xuất hiện

Nguyên nhân khiến bệnh viêm nha chu xuất hiện

Thông thường, tình trạng viêm nha chu xảy ra do thói quen vệ sinh răng miệng kém. Điều này tạo điều kiện cho các mảng bám vi khuẩn tồn đọng ở kẽ răng, nướu lâu ngày làm nướu răng bị viêm, sưng, thậm chí là chảy máu chân răng.

Theo thời gian, mảng bám răng bị vôi hóa thành vôi răng, nướu sẽ bị viêm nặng hơn. Đây chính là giai đoạn viêm nha chu. Không lấy cao răng theo định kỳ khiến nướu bị viêm, lâu ngày chuyển sang viêm nha chu.

Ngoài ra, viêm nha chu xuất hiện do một số nguyên nhân khác:

● Hút thuốc lá.

● Rối loạn nội tiết tố trong cơ thể (thường xảy ra ở phụ nữ mang thai, tuổi dậy thì).

● Hệ miễn dịch kém.

● Hở kẽ răng do thường xuyên sử dụng tăm xỉa răng đầu to và nhọn.

● Mắc các bệnh như tiểu cường, bạch cầu, nhiễm khuẩn, nhiễm độc tố…

Dấu hiệu của bệnh viêm nha chu

Dấu hiệu của bệnh viêm nha chu

Một số dấu hiệu thường gặp của bệnh viêm nha chu:

● Nướu răng sưng đỏ, đau nhức.

● Chân răng dễ chảy máu khi chải răng, xỉa răng hay có bất kỳ tác động nào đến răng, nướu.

● Mảng bám răng và vôi răng bám nhiều trên bề mặt răng, nhất là vùng cổ răng.

● Hơi thở hôi.

● Ấn vào nướu có thể thấy dịch hoặc mủ chảy ra.

● Răng lung lay, di lệch, cảm giác khó khăn khi nhai.

Ngăn ngừa viêm nha chu là bảo vệ sức khỏe của bạn

Ngăn ngừa viêm nha chu là bảo vệ sức khỏe của bạn

Bệnh nha chu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng mà còn làm suy giảm hệ thống miễn dịch, gián tiếp gây ra và làm nghiêm trọng thêm các vấn đề sức khỏe khác. Chính vì vậy, việc ngăn ngừa các bệnh răng miệng là vô cùng cần thiết.

Theo các chuyên gia, bạn cần đánh răng ít nhất 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 2 -3 phút bằng bàn chải và kem đánh răng phù hợp. Để làm sạch kẽ răng, tuyệt đối không dùng tăm tre, thay vào đó là sử dụng chỉ nha khoa hoặc các thiết bị làm sạch hỗ trợ để làm sạch mảm bám thức ăn, ngăn ngừa cao răng tích tụ, gây các bệnh răng miệng.

Bên cạnh đó, mọi người nên tiếp cận các thông tin về chăm sóc sức khỏe răng miệng, cách vệ sinh răng miệng đúng, có ý thức về việc kiểm tra răng miệng mỗi 6 tháng. Nâng cao kiến thức về sức khỏe răng miệng sẽ giúp bạn khỏe mạnh, đồng thời tự tin hơn trong giao tiếp.